Lịch sử Năm Căn

Trước khi lập đơn vị hành chính

Nơi đây là vị trí hợp lưu của sông Cửa Lớn. Khi người Việt và người Hoa bắt đầu khai phá vùng đất này, nơi đây được xem là điểm giao thương thuận lợi, khi các ghe hàng đi xuống cửa Ông Trang mua tôm khô, cá khô, hoặc ra Rẫy Chệt mua dưa hấu, xuống Rạch Gốc chở ba khía và ốc len, những xuồng ghe qua rạch Bà Thanh, Ông Định chở củi về hầm than… đều chọn nơi này làm điểm dừng nghỉ ngơi chờ nước xuôi để đi tiếp, có khi gặp lúc nước ròng, phải chờ con nước lớn. Dân dần nơi đây phát triển thành nơi thị tứ phố chợ bên sông.

Theo giai thoại dân gian thì tên gọi "Năm Căn" đã có từ hơn 200 năm. Đầu tiên, có một người Hoa kKiều tên là Chệt Hột đến đây dựng lên 5 căn trại đáy, phía trên bờ thì làm rẫy. Công việc làm ăn rất phát đạt do nguồn cá tôm dồi dào và chưa có người khai thác. Thấy có nhiều hoa lợi nên những người Hoa Kiều và người Việt cũng đến đây làm ăn sinh sống, lần hồi trở nên đông đúc. Vì có vị trí thuận lợi về đường sông nên ghe xuồng thường qua lại chỗ này, và người ta căn cứ vào dấu hiệu là dãy trại đáy 5 căn xuất hiện đầu tiên để gọi tên, lâu ngày thành địa danh "Năm Căn".

Tuy nhiên, trong các sử liệu ghi chép lại từ thời Mạc Cửu khai phá vùng Hà Tiên đến Cà Mau khoảng năm 1680, nhưng không thấy nhắc đến địa danh Năm Căn. Mãi đến thời Nhà Nguyễn có địa bạ ghi chép về huyện Long Xuyên (là vùng đất Cà Mau ngày nay) mới có nhắc đến. Địa bạ triều Nguyễn năm 1836 (năm Minh Mạng thứ 17) gọi là xứ Năm Căn, lúc đó theo thống kê đặc điền thì ở huyện Long Xuyên (thuộc tỉnh Hà Tiên) gồm 2 tổng Long Thủy và Quảng Xuyên. Riêng tổng Quảng Xuyên có diện tích ruộng đất trên 445 mẫu, gồm 14 xã thôn, trong đó có "...thôn Tân Hưng ở 5 xứ: Rạch Nón, Cái Mũi, Cái Lân, Năm Căn, Đồng Cùng có trên 192 mẫu ruộng (112 mẫu công điền và trên 80 mẫu tư điền với 1 chủ điền)".

Thời thuộc Pháp, vùng phố chợ Năm Căn (khi đó thuộc quận Cà Mau, tỉnh Bạc Liêu), đã trở thành thị tứ sung túc, hai bên bờ sông mọc lên nhiều lò than, nhà cửa san sát, dân cư tấp nập, có bến tàu đò, có đường xe hơi đi từ Cà Mau về đến Năm Căn… Ngay sông Cửa Lớn cũng được nhiều người quen gọi là sông Năm Căn.

Quận Năm Căn dưới thời Việt Nam Cộng hòa (1956-1975)

Ngày 9 tháng 3 năm 1956, theo Sắc lệnh 32/VN, chính quyền Việt Nam Cộng hòa lấy quận Cà Mau và 4 xã của quận Giá Rai là Định Thành, Hoà Thành, Tân Thành, Phong Thạnh Tây lập thành tỉnh Cà Mau, tỉnh lỵ ban đầu có tên là Cà Mau. Tuy nhiên, đến ngày 22 tháng 10 năm 1956, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm ký Sắc lệnh 143/VN để "thay đổi địa giới và tên Đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn cùng các tỉnh và tỉnh lỵ tại Việt Nam". Theo Sắc lệnh này, tỉnh Cà Mau được đặt tên mới là tỉnh An Xuyên, gồm 6 quận: Quản Long, Thới Bình, Sông Ông Đốc, Cái Nước, Đầm Dơi và Năm Căn. Từ đó, Năm Căn chính thức trở thành địa danh hành chính.

Khi được thành lập năm 1956, quận Năm Căn bấy giờ chỉ gồm 2 xã: Năm Căn và Viên An. Quận lỵ đặt tại xã Năm Căn. Ngày 7 tháng 12 năm 1965, quận Năm Căn nhận thêm xã Tân Ân tách từ quận Đầm Dơi. Đến năm 1970, quận Năm Căn có 5 xã: Năm Căn, Tân Ân, Tân Hưng Đông, Thuận Hưng, Viên An.

Tuy là một đơn vị hành chính của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, trên thực tế, hầu như địa bàn quận Năm Căn do chính quyền của những người Cộng sản kiểm soát. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa nhiều lần tảo thanh để thiết lập lại quyền kiểm soát, quan trọng nhất là chiến dịch Sóng Tình Thương cuối năm 1963 và cuộc hành quân Seafloat giữa năm 1966. Mặc dù vậy, trừ các thị trấn đông dân, một vùng rộng lớn hoang vu ở Năm Căn vẫn nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Cộng sản.

Huyện Năm Căn thuộc tỉnh Minh Hải (1976-1984)

Sau khi Việt Nam thống nhất, đơn vị hành chính quận Năm Căn bị giải thể. Địa bàn quận Năm Căn cũ đặt trong huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, sau đổi thành tỉnh Minh Hải.

Ngày 25 tháng 07 năm 1979, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 275-CP[1] về việc điều chỉnh địa giới một số xã của huyện Năm Căn thuộc tỉnh Minh Hải:

  1. Chia xã Viên An thành ba xã lấy tên là xã Duyên An Đông, xã Duyên An Tây và xã Đất Mũi.
  2. Chia xã Năm Căn thành hai xã và một thị trấn lấy tên là xã Hàm Rồng, xã Đất Mới và thị trấn Năm Căn.
  3. Chia xã Tân An thành hai xã lấy tên là xã Tam Giang và xã Tân An.
  4. Chia nửa xã Quách Phẩm B thành ba xã lấy tên là xã Thanh Tùng, xã Tân Điền và xã Hiệp Tùng.
  5. Chia nửa xã Quách Phẩm A thành ba xã lấy tên là xã Tân Trung, xã An Lập và xã Tân An.

Ngày 17 tháng 5 năm 1984, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 75-HĐBT[2] về việc phân vạch địa giới một số huyện, thị xã thuộc tỉnh Minh Hải. Theo đó, 5 xã Tân Điền, Tân An, Thanh Tùng, Tân Trung, An Lập của huyện Năm Căn được tách ra và sáp nhập vào huyện Ngọc Hiển. Huyện Năm Căn chỉ còn gồm các xã Tân Ân, Hiệp Tùng, Hàm Rồng, Đất Mới, Tam Giang, Đất Mũi, Duyên An Đông, Duyên An Tây và thị trấn huyện lỵ Năm Căn. Địa giới huyện Năm Căn ở phía đông, phía tây, phía nam giáp Biển Đông và Vịnh Thái Lan, phía bắc giáp huyện Ngọc Hiển.

Ngày 17 tháng 12 năm 1984, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 168-HĐBT[3] về việc đổi tên huyện Năm Căn thành huyện Ngọc Hiển. Còn huyện Ngọc Hiển cũ ở phía Bắc được đổi tên thành huyện Đầm Dơi.

Huyện Ngọc Hiển: Từ Minh Hải đến Cà Mau (1984-2003)

Ngày 14 tháng 2 năm 1987, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 33B-HĐBT[4] về việc phân vạch, điều chỉnh địa giới hành chính một số xã, thị trấn huyện Ngọc Hiển, tỉnh Minh Hải:

  1. Giải thể thị trấn Năm Căn. Thành lập xã Hàng Vịnh trên cơ sở diện tích và dân số của thị trấn Năm Căn cũ.
  2. Chia xã Đất Mới thành hai đơn vị hành chính lấy tên là xã Đất Mới và thị trấn Năm Căn (thị trấn huyện lỵ huyện Ngọc Hiển).

Ngày 06 tháng 11 năm 1996, Quốc hội Việt Nam ban hành Nghị quyết về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh[5], theo đó chia tỉnh Minh Hải thành hai tỉnh là tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau. Khi đó huyện Ngọc Hiển trở thành huyện của tỉnh Cà Mau.

Ngày 25 tháng 06 năm 1999, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 42/1999/NĐ-CP[6] về việc thành lập xã Tân Ân Tây thuộc huyện Ngọc Hiển trên cơ sở 11.096 ha diện tích tự nhiên và 10.030 người của xã Tân Ân

Ngày 29 tháng 08 năm 2000, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 41/2000/NĐ-CP[7] về việc chia tách, thành lập các xã mới thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau:

  1. Thành lập xã Tam Giang Tây trên cơ sở 9.235 ha diện tích tự nhiên và 6.672 người của xã Tam Giang.
  2. Thành lập xã Tam Giang Đông trên cơ sở 9.530,79 ha diện tích tự nhiên và 5.468 người của xã Tam Giang.

Huyện Năm Căn từ năm 2003 đến nay

Ngày 17 tháng 11 năm 2003, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 138/2003/NĐ-CP[8] về việc thành lập lại huyện Năm Căn thuộc tỉnh Cà Mau trên cơ sở 53.291,40 ha diện tích tự nhiên và 70.745 người của huyện Ngọc Hiển. Huyện Năm Căn có 53.291,40 ha diện tích tự nhiên và 70.745 người; có 7 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm các xã Hàm Rồng, Đất Mới, Hàng Vịnh, Hiệp Tùng, Tam Giang, Tam Giang Đông và thị trấn Năm Căn.

Huyện Năm Căn được chia tách từ huyện Ngọc Hiển, đi vào hoạt động ngày 01/01/2004.

Ngày 05 tháng 09 năm 2005, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 113/2005/NĐ-CP[9] về việc điều chỉnh địa giới hành chính, thành lập xã Lâm Hải trên cơ sở 12.272,40 ha diện tích tự nhiên và 10.531 người của xã Đất Mới.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Năm Căn http://www.camau.gov.vn/wps/portal/!ut/p/a1/tVVbc6... http://www.thuvienphapluat.vn/archive/Nghi-dinh/Ng... http://www.thuvienphapluat.vn/archive/Nghi-dinh/Ng... http://www.thuvienphapluat.vn/archive/Nghi-dinh/Ng... http://www.thuvienphapluat.vn/archive/Quyet-dinh/Q... http://www.thuvienphapluat.vn/archive/Quyet-dinh/Q... http://www.thuvienphapluat.vn/archive/Quyet-dinh/Q... http://www.thuvienphapluat.vn/archive/Quyet-dinh/Q... http://www.thuvienphapluat.vn/van-ban/Bat-dong-san... http://www.thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-...